Skip links

Đối sánh từ khóa Google Ads là gì? Ví dụ và cách sử dụng

Giả sử bạn có một shop bán giày nam, nếu chỉ target từ khóa “giày nam”, quảng cáo vẫn sẽ có khả năng hiển thị đến những người tìm kiếm sản phẩm/dịch vụ mà bạn không cung cấp, ví dụ “dịch vụ sửa giày nam”. Trong trường hợp này, kể cả khi bạn đã tìm được từ khóa đúng với sản phẩm dịch vụ của bạn, quảng cáo vẫn không tiếp cận được đúng đối tượng mục tiêu, mà bạn thậm chí còn phải tiêu tốn thêm ngân sách chi trả cho những lượt traffic không chất lượng. Vậy làm sao để ngăn chặn tình trạng này?

Trong bài viết dưới đây KH sẽ cùng bạn tìm hiểu về các loại đối sánh từ khóa giúp nhắm mục tiêu chính xác hơn khi chạy quảng cáo Google.

Đối sánh từ khóa là gì?

Quảng cáo tìm kiếm Google hoạt động theo nguyên tắc đấu thầu thông qua từ khóa. Từ khóa nhà quảng cáo target sẽ phải khớp với những cụm từ mà người dùng thường tìm kiếm. Và các đối sánh từ khóa (keyword match types) hay tùy chọn so khớp từ khóa là công cụ để nhà quảng cáo thông báo cho Google biết từ khóa cần phải khớp thế nào với truy vấn của người dùng để quảng cáo được hiển thị.

Ví dụ: Nếu chỉ nhập cụm từ “giày tây” khi target từ khóa, quảng cáo sẽ hiển thị đến bất kỳ người dùng nào nhập các cụm từ có chứa từ khóa “giày” hoặc “tây” lên thanh tìm kiếm Google. Việc sử dụng đối sánh chính xác sẽ cho Google biết cần giới hạn lại và chỉ hiển thị quảng cáo đến những người nhập đúng cụm từ khóa “giày tây”.
ket-qua-tim-kiem-truy-van-tu-khoa

Các dạng đối sánh từ khóa trong Google Ads

Có 4 tùy chọn so khớp từ khóa thường được sử dụng khi chạy quảng cáo Google Ads bao gồm:

  • Đối sánh rộng (Broad match)
  • Đối sánh cụm từ (Phrase match)
  • Đối sánh chính xác (Exact match)
  • Đối sánh phủ định (Negative match)

Trong phần tiếp theo này, TM sẽ cùng bạn đi tìm hiểu lần lượt khái niệm đối sánh rộng là gì, đối sánh cụm từ là gì, …, ví dụ cụ thể, cách thiết lập, cũng như ưu điểm, nhược điểm của các loại từ khóa để bạn có thể phân biệt và biết nên sử dụng loại đối sánh nào trong trường hợp nào.

Đối sánh rộng (Board match)

Nếu bạn chỉ nhập từ khóa bình thường không đi kèm bất kỳ ký tự đặc biệt gì, Google sẽ mặc định bạn đang sử dụng đối sánh từ khóa mở rộng và sẽ hiển thị quảng cáo đến tất cả những truy vấn có liên quan đến từ khóa của bạn bao gồm các truy vấn sử dụng từ khóa theo bất kỳ thứ tự nào, sai chính tả, chưa bất kỳ từ khóa nào trong cụm từ khóa, hoặc thậm chí không chứa từ khóa miễn là liên quan về mặt ý nghĩa.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh rộng với từ khóa: mua giày tây, quảng cáo sẽ hiển thị đến những truy vấn có liên quan như:

  • Giày tây mua ở đâu
  • Giày tây là gì
  • Mua giày trực tuyến
  • Giày bảo hộ lao động chất lượng

doi-sanh-rọng-board-match
Ưu điểm của đối sánh rộng đó là nó có thể giúp nhà quảng cáo tiếp cận nhiều đối tượng nhất có thể, thậm chí tiếp cận những từ khóa người dùng tìm kiếm mà các nhà quảng cáo khác không đấu thầu. Từ đó cho phép thu hút một lượng lớn traffic vào website của bạn.

Tuy nhiên, do quảng cáo cố gắng tiếp cận càng nhiều người càng tốt kể cả khi truy vấn của họ không thật sự liên quan, bạn sẽ lãng phí một phần ngân sách đáng kể để trả cho những truy cập và website của những người dùng ngẫu nhiên không hề có ý định mua hoặc tìm kiếm thông tin của bạn nhưng vẫn nhấp vào quảng cáo.

Đọc thêm: CTR rất cao nhưng Conversion Rate thấp, đâu là nguyên nhân đằng sau

Tệ hơn, khi người dùng truy cập vào website và thấy nội dung bên trong không giống những gì họ đang tìm kiếm, họ sẽ nhanh chóng thoát ra, hành động này sẽ gửi đến một tín hiệu cho Google rằng quảng cáo của bạn không chất lượng, không đem lại trải nghiệm tốt cho người dùng, quảng cáo sẽ bị giới hạn hiển thị, muốn tiếp tục bạn sẽ phải chi trả một mức CPC cao hơn rất nhiều.

Đối sánh cụm từ (Phrase match)

Khi sử dụng đối sánh cụm từ (thêm dấu ngoặc kép vào trước và sau cụm từ), phạm vi hiển thị quảng cáo sẽ được giới hạn lại và sẽ chỉ hiển thị khi người dùng nhập truy vấn có chứa từ khóa, các biến thể gần của từ khóa (sai chính tả, đồng nghĩa, chứa từ bổ nghĩa ở trước, sau hoặc giữa các từ khóa,…)

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh cụm từ Google Ads từ với từ khóa: “giày tennis”, quảng cáo sẽ hiển thị đến những truy vấn có liên quan như:

  • Giày để đánh tennis
  • Mua giày tennis nam giá rẻ
  • Giày quần vợt adidas
  • Review giày tennis

Nhưng sẽ không hiển thị đến những truy vấn như:

  • Giày chạy bộ có đánh tennis được không
  • Thời trang tennis

doi-sanh-cum-tu-phrase-match
Với đối sánh cụm từ khả năng tiếp cận người dùng sẽ thấp hơn nhiều so với đối sánh mở rộng. Tuy nhiên, bạn sẽ đảm bảo được quảng cáo chỉ hiển thị đến các truy vấn bao gồm dịch vụ hoặc sản phẩm mà bạn cung cấp, giảm bớt tình trạng phung phí ngân sách quảng cáo cho những người dùng không có nhu cầu vô tình truy cập vào.

Ngoài ra, lượt traffic đến website của bạn cũng sẽ chất lượng hơn, do quảng cáo chỉ hiển thị đến những người thật sự quan tâm, khả năng họ lưu lại trang web, thậm chí là mua hàng cũng sẽ cao hơn, mang đến cho Google một tín hiệu tích cực về chất lượng quảng cáo của bạn, điều này cũng có thể giúp bạn giảm chi phí phải trả trong các lượt đấu thầu.

 

Đối sánh chính xác (Exact match)

Nếu bạn muốn kiếm soát từ khóa chặt chẽ hơn nữa những ai có thể xem quảng cáo của bạn, thì đối sánh chính xác là một tùy chọn mà bạn có thể tham khảo thêm khi chạy quảng cáo từ khóa trên Google.

Với tùy chọn này, quảng cáo sẽ chỉ hiện thị với những người dùng mà truy vấn của họ trùng khớp hoặc có cùng một ý định tìm kiếm với từ khóa được target. Để thiết lập đối sánh chính xác bạn chỉ cần thêm dấu ngoặc vuông ở trước và sau cụm từ.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh chính xác với từ khóa: [giày thể thao nam], quảng cáo sẽ hiển thị đến những truy vấn như:

  • Giày nam thể thao
  • Giay the thao nam
  • Giày thể thao đàn ông

Nhưng sẽ không hiển thị đến những truy vấn như:

  • Giày da nam
  • Giày cho bé trai

doi-sanh-chinh-xac-exact-match
Về mặt ưu điểm, sử dụng đối sánh chính xác sẽ giúp bạn nhắm mục tiêu quảng cáo một cách cụ thể hơn, quảng cáo sẽ chỉ hiển thị đến những người tìm kiếm hoặc có ý định tìm kiếm đúng cụm từ bạn đã target. Đây thường là nhóm quan tâm nhiều đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, và có khả năng chuyển đổi cao. Điểm chất lượng quảng cáo cũng sẽ được cải thiện do quảng cáo sẽ “liên quan nhiều” đến đối tượng mục tiêu.

Tuy nhiên, việc nhắm mục tiêu chính xác lại vô tình khiến bạn bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất hiện trước những khách hàng tiềm năng, bởi không phải ai cũng sẽ tìm kiếm những từ khóa giống như những gì bạn đã target.

Đối sánh phủ định (Negative match)

Đối sánh phủ định (Negative match) hay từ khóa phủ định (Negative keywords) được sử dụng để ngăn quảng cáo xuất hiện khi người dùng nhập một truy vấn không liên quan đến sản phẩm dịch vụ, hoặc những truy vấn mang lại chuyển đổi thấp.

Để thiết lập từ khóa phủ định, bạn truy cập vào chiến dịch đã thiết lập, chọn Negative keywords, sau đó thêm các từ khóa phủ định vào, hoặc sử dụng các danh sách từ khóa phủ định đã cài đặt từ trước.

them-tu-khoa-phu-dinh

Có 4 loại đối sánh phủ định:

Đối sánh rộng phủ định (Negative broad match)

Khi sử dụng loại đối sánh này, quảng cáo sẽ không hiển thị nếu truy vấn chứa tất cả các từ khóa trong cụm từ khóa phủ định.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh rộng phủ định với từ khóa: “giày chạy”, quảng cáo sẽ không hiển thị đến các truy vấn có chứa cả 2 từ khóa “giày” và “chạy” như:

  • Giày chạy bộ
  • Mua giày chạy

Đối sánh cụm từ phủ định (Negative broad match)

Với đối sánh cụm từ phủ định, quảng cáo sẽ không hiển thị nếu truy vấn bao gồm cụm từ phủ định theo đúng thứ tự bạn đã nhập.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh cụm từ phủ định với từ khóa: “giày chạy”, quảng cáo sẽ không hiển thị đến các truy vấn có chứa từ khóa “giày chạy” như:

  • Giày chạy adidas
  • Mua giày chạy

Đối sánh chính xác phủ định (Negative Exact match)

Với đối sánh chính xác phủ định, quảng cáo sẽ không hiển thị nếu người dùng nhập đúng cụm từ khóa phủ định.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh chính xác phủ định với từ khóa: “giày chạy”, quảng cáo sẽ không hiển thị nếu người dùng nhập vào thanh tìm kiếm từ khóa: “giày chạy”.

Lưu ý: Đối sánh phủ định sẽ không thể sử dụng với các biến thể của từ khóa (ví dụ: sai chính tả, từ đồng nghĩa,…)

Sử dụng đối sánh từ khóa thế nào cho chiến dịch

Nếu bạn mới bắt đầu chạy Google Ads, chưa có dữ liệu chạy quảng cáo trong quá khứ, bạn nên target từ khóa rộng sau đó thu hẹp dần.

Cụ thể, bạn có thể bắt đầu với đối sánh rộng để tiếp cận tối đa người dùng với những truy vấn liên quan đến sản phẩm/ dịch vụ của bạn. Sau đó theo dõi performance của từ khóa theo trong một khoảng thời gian nhất định để thu hẹp dần lại phạm vi target bằng cách sử dụng từ khóa phủ định.

Ví dụ: Khi sử dụng đối sánh rộng với từ khóa “giày tennis”, bạn thấy quảng cáo hiển thị quá nhiều với truy vấn từ khóa “giày bảo hộ lao động chất lượng” – truy vấn này không liên quan gì đến sản phẩm mà bạn đang kinh doanh. Bạn sẽ cần thêm từ khóa này vào danh sách từ khóa phủ định để thu hẹp phạm vi hiển thị, ngăn quảng cáo lại hiển thị đến những người dùng đang tìm kiếm “giày bảo hộ lao động chất lượng”.

Trong trường hợp nếu bạn đã sử dụng đối sánh phủ định rồi, nhưng quảng cáo vẫn hiển thị với quá nhiều truy vấn không liên quan khác, ví dụ: đồ tập tennis, giày chạy bộ, giày thể thao,… bạn có thể chuyển qua sử dụng đối sánh cụm từ thay cho đối sánh rộng. Lúc này, quảng cáo sẽ chỉ hiện thị đến những truy vấn chỉ liên quan đến giày tennis như: giày để đánh tennis, mua giày tennis nam giá rẻ, giày quần vợt adidas,…

Tạm kết

Vậy là TM đã vừa cùng bạn đi tìm hiểu về các loại đối sánh từ khóa, sự khác biệt giữa các loại, cũng như cách để bạn có thể lựa chọn được loại đối sánh phù hợp khi nhắm mục tiêu cho quảng cáo. Nếu bạn mong muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về hệ sinh thái quảng cáo Google, cách hoạch định chiến lược quảng cáo với Google, cũng như cách vận dụng dữ liệu để tối ưu hiệu quả quảng cáo, hãy tham khảo ngay khóa học Digital Performance nhé!

 

Leave a comment

Website sử dụng cookies để gia tăng trải nghiệm người dùng.
Home
Tài khoản
0
Giỏ
Tìm
Nhắn tin